Bữa hổm viết nhăng cuội mấy dòng vô tình bị cô bạn bắt giò sai chánh tả hỏi ngã, ngồi nghiệm nghiệm thấy cũng hay nên chiều hết giờ mần biên mấy dòng lạm bàn chuyện “Hõi ngả bất phân*“, chẳng dám múa phím qua mắt các bậc cao nhân, chỉ mong lưu lại để sau này có dịp quỡn mà đọc lại hoặc hy vọng mua vui dăm phút cho quý bằng hữu nào vô tình lướt ngang đây!
Tui vốn dốt tiếng Tây, đi học anh Văn toàn phải try harder mà so với mấy bạn Tây học tiếng Việt thì có lẽ chẳng là gì, từ vựng chánh gốc rồi vay mượn Tây Tàu đủ kiểu, bỏ dấu thôi cũng đã lắm trò: sửa chữa với sữa chửa khác nhau xa lắc nghen, một cái là sửa cái gì hư với cái là sữa của bà chửa :v Như kiểu động từ bất quy tắc, có hỏi tại sao sửa hỏi với sữa ngã chắc tui cười trừ hổng cắt nghĩa nổi!
Mà hình như là người miền Nam mình cũng hay sai vụ này bởi do xuề xòa nói viết nhiều khi cũng như nhau, mới đẻ ga nghe con cá gô kêu gột gột chong gổ gồi, đi học dìa cũng nghe thét rồi quen…
Cụ tỷ thì có mấy quy tắc như sau:
Từ láy
– Dấu huyền và dấu nặng -> ngã: vội vã, lững lờ, chững chạc
– Không dấu (thanh ngang) và dấu sắc -> hỏi: chưng hửng, lửng lơ, cứng cỏi
Có vài ngoại lệ như: mệt mỏi, trầm bổng… vì đây là từ ghép chứ không phải từ láy.
Nhớ hồi xưa thời thời tập viết ông già hay dạy, quên thì cứ nhớ hai câu thơ này là được, mà giờ tui cũng mém quên luôn nghiệm một hơi mới nhớ ra 😀
“Em Huyền mang nặng ngã đau
Anh Ngang sắc thuốc hỏi đau thế nào?”
Từ Hán-Việt
Tui cũng ít dùng hoặc dùng mà không để ý tới vì quen rồi. Nhưng nghĩ thể nào cũng phải có chuyện bàn tới, và lại Google (Google muôn năm!) thì có thấy người ta có thần chú như sau “Mình Nên Nhớ Viết Liền Dấu Ngã: Có nghĩa là những từ Hán-Việt nào có phụ âm đầu M, N, NH, V, L, D, NG thì tuyệt đại đa số có dấu ngã.” Bà con quỡn thì vô web này coi bản gốc nha (cảnh báo: bài viết mang tính chất học thuật chứ hông cà rỡn như tui đâu!)
* Câu này là chữ ký của một bác bạn Internet của tui, sau mấy lần gặp mặt thì mới biết là bạn già với tâm hồn đôi mươi.