Thành phố nghèo nên dây điện chằng chịt khắp nơi
Ghé tham quan bảo tàng quốc gia mà trúng ngay ngày đóng cửa
Ông chủ hostel ổng cho mấy tờ bướm giới thiệu của Amazing Thailand rồi chỉ đi tham quan, điểm đầu tiên là công viên Thung Si Muang.
Cái công viên này nghe nói là do hồi xưa ông vua Rama V. có tổ chức lễ hội ở đây nên giờ mấy bác mới ăn theo vẽ vời ra để dụ khị tui tốn xăng chạy vô coi, vô không tốn tiền nhưng mà lội bộ vòng vòng nắng quá nên khát nước, lại phải tốn tiền mua nước uống. Mấy bác biết cái moi tiền một cách êm ái ghê!
Thấy ghi là WiFi Free Zone mà tui mò hoài không biết làm thế nào để vô nữa.
Lỡ vô nên thôi cũng đi loanh quanh, công viên này so ra thì nhỏ xíu, nhỏ hơn Tao Đàn bên mình nhiều. Trưa nắng chang chang có mình băng của tụi tụi là đi lòng vòng thôi, còn lại chả thấy ma nào hết.
Đến ông bán kem cũng là một đại sứ du lịch, ổng thấy tui đi lơn tơn nên cứ rà rà theo giới thiệu suốt. Còn tui cười cười lắc đầu quầy quậy bảo không ăn kem đâu. Future FI bên mình qua bên đây chỉ để kéo xe bán kem thôi nghe, tui chạy Wave còn thua cả ông bán kem nữa, huhu
Bán nước mía ở ngoài cửa công viên nè, có qua đây mới thấy tội cho người dân nghèo ở đây quá, đến hàng rong mà cũng không có một cái xe đẩy cho đàng hoàng nữa, phải bỏ lên xe bán tải mà chở đi. Rủi có trật tự đô thị rượt chắc không kịp mở cửa xe đề máy mà chạy đâu.
Bà này thì bán dâu, không biết do trình độ tiếp thị kinh doanh ở đây còn hạn chế hay sao mà không thấy chế cái loa “Trung tâm công nghệ hóa màu vừa cho ra đời một sản phẩm, đó chính là keo dính chuột, keo dính chuột không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt keo dính chuột…”. Buôn bán mà không sắm nổi cái xe đạp với cái loa nữa, toàn chạy bán tải không hà. Đúng là tư duy kinh tế thị trường kém cỏi thật, lại còn không biết tiết kiệm xăng, bảo vệ môi trường nữa, hehe
Thấy hàng rong bên này không có gì hấp dẫn nên coi bản đồ đi chơi tiếp, cái bản đồ này rất quan trọng, vì ở đây chả có thác núi hay sông gì hùng vĩ hết, toàn những công trình do con người tạo nên và dùng nó vào mục đích du lịch kết hợp cả dân sinh rất hay.
Công viên tuy nhỏ nhưng nhiều cây xanh, có nước xung quanh
Ghé vô chùa Wat Thung Si Muang, cái nhà gỗ này là thư viện kinh Phật Ho Trai. Nghe nói là xây hồi 1829 thời vua Rama III, hồi đó có ông thầy chùa tu ở Bangkok thấy ồn ào náo nhiệt quá bèn đi bụi xuống tới vùng Ubon Ratchathani thấy chỗ này yên bình tĩnh lặng thuận tiện để tu tập nên ở đây luôn. Rồi mấy năm sau đó có thêm một ông thầy từ Viêng Chăn (Vientiane) cũng qua đây hợp tác xây được chùa này. Đọc cái bảng ở dưới tui diễn nôm ra được vậy thôi thì mệt quá nên đi coi tiếp chỗ khác.
Trong này là chỗ chứa Kinh Phật nghe nói có Tam tạng Kinh (Tripitaka), các ấn bản đầu tiên của Kinh Phật nguyên thủy…
Lúc mới vô có ông thầy chùa ra chào tụi tui, cũng bắt chước chào ổng rồi nghe ổng nói gì đó bằng tiếng Thái Lan, thấy tui trố mắt ra ngó không hiểu gì hết nên ổng cũng ráng nói lại lần nữa, nói chậm hơn và cũng bằng tiếng Thái tiếp. Trong bụng tui nghĩ dòm ổng hiền từ vậy với không thấy chỗ nào có bảng cấm vô hay mua vé gì hết chắc không phải đòi tiền hay đuổi ra rồi nên tui cũng ráng phang đại “Việt Nam” luôn, cũng bắt chước nói chậm chậm phát âm như Tây nói tiếng Việt vậy. Ai dè hóa ra đúng ý ổng, mặt ổng giãn ra xá cái nữa “Xin chàu”, tui kể đúng cách ổng phát âm luôn đó. Hình như ổng học được có mỗi câu này thôi nên cười cười thêm mấy cái nữa rồi đi vô.
Ra cầy cầu tre bắt qua bãi bồi Hat Wat Tai nằm giữa sông Mun. Bãi cát ở đây sạch lắm, nước ròng có thể tắm ngon lành.
Cầu chắc lắm, đi bộ lên không thấy cảm giác mạnh gì hết, chỉ thấy an toàn!
Đẹp! Nói chung là chỗ này phong cảnh sông nước hữu tình, bên mình trong thành phố mà có chỗ giống vầy chắc chiều ra trải chiếu ngồi nhậu đông kịt
Đi cầu xong cũng gần đúng ngọ nên quay vô đi Central Plaza Ubon cho nó mát mẻ sang trọng, sẵn đổi gió không ăn lề đường nữa. Xe máy vào gởi thấy được kiểm tra khá nghiêm ngặt, ai cũng vậy kể cả dân địa phương chứ không phải mình tui, xuống xe mở cốp cho bảo vệ nhìn rồi mới lấy phiếu đi vô bãi.
Rộng lớn, hoành tráng, cảm giác cũng tựa tựa như lần đầu vô VinCom Center vậy
— Mục lục —