Làm quen với đặc sản xứ Ấn: Lùa gà, lùa khắp nơi

Bước xuống phi trường quốc tế Indira Gandhi quá nửa khuya, đứng xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh mòn mỏi, may mà đi chuyến này có mình ên nên chả có hành lý ký gửi gì, chỉ nhõn mỗi cái balo trên lưng nên cũng đỡ. Xin e-Visa giờ qua đây được ở 60 ngày, vô ra hai lần, ước gì US cũng dễ vầy thì hay biết mấy.

Bị vì khuya quá thành ra cũng ngại kiếm xe ra ngoài nên làm thủ tục xong đi loanh quanh kiếm chỗ ngủ để mai dậy sớm đi luôn cho gọn, cái sân bay thì rộng bà cố mà hầu hết chơi toàn gạch men láng bóng lạnh ngắc, lần quần kiếm không ra được chỗ nào hết trơn, ghế thì cũng khó nằm mà cũng ngại, lỡ bọn nào nó chụp hình đăng Phây-bút mắc công, dù gì cũng nên giữ chút thể diện quốc gia cái, thôi nằm đại ngay chỗ sạc pin cho gọn, balo thì kê đầu thay gối, dép gác cẳng, cũng may kỳ này mặc cái áo gió xịn nên cũng cầm cự được tới sáng.

Lần sau nếu có ngủ kiểu này nữa thì rút kinh nghiệm đem theo cái túi ngủ cho phẻ với có đồng bọn ngủ cho an tâm chứ không thì bất kể tiếng động nào cũng làm mình thức giấc cảnh giác được hết, nên ngủ cũng hơi chập chờn 😀

Bận về thì cũng y chang vậy, vô sân bay sớm quá nên security hổng cho vô, kêu đợi đi, còn chừng 6 – 7 tiếng nữa tao cho mày vô, tui làm mặt rầu nói ngoài này gió thổi hù hù lạnh mười mấy độ sao tao chịu nỗi, sân bay của nhà mày đẹp quá giờ tao còn dư tiền chưa có mua sắm gì nữa, mà sáng mai tao bay sớm nữa sợ trễ máy bay lắm, thế là nó chỉ tui vô cái phòng đợi.

Tui vô ngồi ghế một hơi oải chè đậu quá nên qua nằm chung với mấy bạn này, chắc cũng thuộc giới bình dân với nhau nên mấy bạn cũng dễ thương lắm thấy lạc loài thằng châu Á như tui nên hỏi thăm suốt: hỏi tui phải bên Nhựt Bản qua hông, lắc đầu, Trung Quốc hả, hổng phải, tao ở Việt Nam đó. Ờ, Việt Nam hả, ờ ờ, nhìn mặt mấy bạn chắc hổng biết cái nước Việt Nam nó chỗ nào rồi. Cái tiếng Anh của mấy bạn tiếng được tiếng không, mà hết bạn này hỏi rồi tới bạn kia tui mệt quá chịu hổng có nỗi với phần lạnh nữa, lại không có chỗ sạc pin nên tui vác balo lò dò lại chỗ mua vé vô phòng đợi xịn hơn. Hỏi tay bán vé thì nó nói deal với ông security cái đi, còn tao cho mày vô miễn phí, chắc nhìn mặt tui dễ thương hay sao ấy nên vô dễ ợt, ít ra thì trong này ấm hơn, có nhiều chỗ sạc pin với có cái chỗ bán cà-phê bánh trái sát bên.


Sáng dậy chui ra ngoài ta nói nó lạnh gì mà lạnh dữ thần ôn, cái áo gió xịn của tui hình như cũng không xi nhê gì lắm với cái lạnh ở đây.

Mà tui không thể hiểu nỗi một cường quốc công nghệ thông tin từng nhứt nhì thế giới về outsourcing phần mềm mà để mua một cái SIM du lịch thì còn khó hơn xin visa gấp trăm lần nữa, trong cái sảnh exit của sân bay đi qua đi lại muốn rạc giò mà thấy có mỗi cái quầy bán SIM của Airtel không có sự lựa chọn nào hết trơn, lại hỏi một tay mặc veston lịch sự thì hắn bảo không bán, hỏi tại sao, hắn nói giờ mới có 7g sáng ah, 10g sáng mới bán, vậy mày ngồi đây chi vậy, hắn nghiêng đầu nhún vai, tui chả hiểu khỉ gì. Thôi đành ra ngoài đi chơi trước, lát kiếm chỗ mua sau vậy, chứ hơi đâu ngồi đợi nó mấy tiếng để mua cái SIM, đâu phải thời bao cấp đâu, tui nghĩ vậy. Và thế là sắp sửa trở thành con gà béo tốt để tụi nó lùa rồi.

OK, chuyện lùa gà thì tí nữa sẽ biết. Giờ kiếm đường xuống dưới chợ Kari Baoli ở Old Delhi đã. Cũng may là nó nằm gần ngay trạm tàu điện Chandni Chowk, với kinh nghiệm đã từng đi tàu ở mấy nước loanh quanh rồi nên đây là giải pháp đơn giản nhất của tui khi lần đầu tới đây chưa biết xe cộ giao thông sao cả.

Mà nói chung thì kinh nghiệm thì kinh nghiệm cũng vậy ah, bên đây nó hơi khác chút: bạn sẽ xếp hàng để mua xèng đi tàu, đi 2 line thì tay bán xèng bán cho 2 đồng và hình như là nó y chang nhau nên tui cũng chả hiểu nếu tui mua cho kế hoạch nguyên ngày 6-7 đồng gì đó thì làm thế nào để tui phân biệt được xèng nào dùng cho line nào @@

Không có bán thẻ kiểu unlimited xài mấy bữa cho dân du lịch, cái máy bán xèng tự động thì giấu trong mấy góc kín kín không ah, có màn hình cảm ứng nhưng mà thọt muốn trẹo ngón tay lủng cái màn hình mới được, với app cũng hơi ngu kiếm cái trạm mình muốn xuống đỏ con mắt mới ra.

Tàu bên này thì cũng gần gần giống mấy nước khác, chia mỗi line một màu mà không hiểu sao tới xin bản đồ thì hổng có, cũng may là tui có download sẵn cái bản đồ ở nhà rồi. Line màu đỏ là đi ra sân bay, rồi nhảy qua line màu vàng để đi Old Delhi. Chưa cần nhảy lên mặt đất coi thiên hạ thôi nhảy từ line New Delhi qua line Old Delhi là thấy khác nhau rồi, tàu đi sân bay thì sạch sẽ bự oành còn tàu này thì cũ cũ nhỏ nhỏ thế nào ấy 😀

Điểm khác biệt nữa là dưới ga tàu có mấy quầy bán bánh với nước, nhưng hông có cho ăn uống trên tàu nhe mà cũng hông thấy cái thùng rác nào luôn.

Bánh gì quên tên rồi, rẻ lắm, ăn nghe cay cay the the thơm mùi cà ri, và tất nhiên là khô queo 😀

Bảng chỉ đường thì hơi nhiều, có khi hai ba chỗ mà cùng chỉ về một hướng, thấy cái hẻm nhỏ nhỏ, sáng lại không có mấy người đi, lò dò cũng mò ra ngoài được.

Vừa mới bước ra là có người tới mời đi xe làm một vòng chợ rồi, cũng chuẩn bị sẵn kinh nghiệm ở nhà nên tui cũng lắc đầu nguây nguẩy đi dọ giá một hơi. Đi loanh quanh quanh miết, thấy tay này cứ lẽo đẽo theo sau hoài, nhìn mặt cũng không có vẻ gì gian manh lắm nên mới thỏa thuận. Chốt giá đi một vòng 200 rupee, chà rẻ dữ ngon rồi.

Tiếng Anh hắn cũng không mấy trơn tru nên tui cũng yên tâm, chắc không phải dân lùa gà chuyên nghiệp. Với một cũng my friend, hai cũng my friend hết sức là dễ thương.

Thế mà vẫn bị lùa mới đau!

Chuyện là vầy, hắn chở tui đi lòng vòng một hơi, tui thấy cũng cả tiếng đồng hồ rồi, lâu quá mà ăn rẻ vầy coi sao được nên tui hỏi hắn “lát tui phải trả nhiêu tiền vậy, sao đi nhiều quá vậy”, hắn quay sang nói với vẻ mặt hết sức nai tơ “your money is your money, we’re friends, pay what you want”. Chết mịa rồi, tui thầm nghĩ trong bụng, với cái kiểu mà muốn cho nhiêu thì cho là xác cmn định lát đưa ít thì đếch mà yên với tao đâu 😀 Thành ra tui làm mặt nghiêm quay qua nói hắn đưa giá cụ thể đi rồi tui mới đi tiếp không là tui đi dìa, hắn bảo 500 rupee. OK, cũng còn chấp nhận được.

Hắn chở tui đi loanh quanh, đi chợ rồi vô cái đền gì đó phải gởi xe bên ngoài. Cái ông ăn mặc cũng tương đối lịch sự này giữ xe nè, tới chừng ra ổng kêu xe bị lỏng chén cổ để ổng vặn lại cho, vặn xong ổng xin tiền hắn, hắn làm vẻ không có tiền rồi quay qua nhìn tui nói cho nhiêu cho! Vãi linh hồn, có bao giờ bạn đi xe ôm bể bánh xe hay hết xăng mà bác tài kêu bạn phải trả tiền sửa xe/ đổ xăng không vậy!?

OK, móc 20 ruppe ra đưa thấy mặt ông vặn cờ lê có vẻ hông vui lắm. Kệ, đi tiếp thôi.

Lát nữa lựa lúc tui đang chụp hình ngon, chắc thấy tui vui hay sao ấy, hắn lại gần nói chuyện tiền nong nữa, cũng với cái bộ mặt y chang lúc nãy, lần này là đòi lên 2000 rupee vì đủ thứ lý do lý trấu nào là tui chụp được nhiều hình đẹp nào là cảnh đẹp bla bla bla, tui mệt rồi nên thôi kệ hắn, đi xong rồi tính tiếp. Lúc này vừa đi mà vừa nghĩ coi lát trả nhiêu với sẵn quan sát xung quanh coi thí dụ mà hắn vòi nhiều quá mà mình không trả theo thì thế nào, giang hồ xứ này nó có dữ như xứ mình hông 😁😁😁

Ông giữ xe lôi kiêm thợ sửa xe kiêm luôn làm tiền nè bà con. Chắc cũng tay chân với lão chạy xe chở tui á 😀

Đi một hơi chán quá với phải suy nghĩ hoài cũng mệt nên tui hỏi hắn chở tui về chỗ hotel được hông, coi bản đồ thì thấy tầm 5km, trong bụng nghĩ hắn chở luôn thì trả tiền cũng được. Hắn nói xa quá hổng chở, quay lại chỗ cũ thôi, mặc dù trên đường đi còn đòi ghé vô thêm mấy chỗ nữa mà tui hết hứng rồi nên cứ về đã.

Về thì hỏi nhiêu, hắn cười nham nhở đòi 5000 rupee! WTF, hắn tưởng tui trong hũ vàng mới rớt xuống đây y như thằng nhỏ trong cái phim Triệu phú khu ổ chuột vậy hả! Nói thiệt, lúc đó tui tính giơ cái áo lên kêu hắn hửi đi, rồi nói hộng qua tao ngủ lê ngủ lếch trong sân bay tiết kiệm được mấy trăm rupee tính nay tips cho mày, mà ông nội mẹ nó ơi, từ 200 rupee lên tới 5000 rupee, tăng gấp 25 lần trong nháy mắt, trình chém cỡ này thì mấy tay Vietnam nhà tao bái mày thành tổ sư gia luôn cho rồi, ông nội tui có khùng cũng không có đưa ông nha!!!

Thế là đưa hắn 1000 mà thấy cũng tội nên cho thêm 500 nữa, tại tui là người tốt mà. Thấy vậy cái hắn cứ đeo theo hoài đòi thêm nữa mới ghê, vừa đi vừa hù tui “chỗ này bạn tốt của ơi (là my good friend đó) đi một mình rất là nguy hiểm, bạn lại còn có máy chụp hình giá trị nữa” làm tui cũng hơi chột dạ, mịa pà nó lỡ nó hú tay chân ra thiệt thì cũng căng ah, sáng giờ mới ăn có cái bánh uống ly trà sữa không biết chạy có nỗi không nữa.

Đảo mắt nhìn xung quanh tui chả thấy thêm ai khả nghi, còn mấy tay đồng nghiệp của hắn thì nhìn nhìn với vẻ dửng dưng chả thèm quan tâm như thể chuyện thường ngày ở huyện vậy nên cũng tui yên tâm chút, quay qua nói “tao gọi hotline police nha mậy”, thế là hắn cũng chậm lại chút nhân lúc có cái xe đò chạy tới tui lẻn vào đi phía trong luôn.

Mà lúc đó tui có số của police tui chết liền, còn police thì bạn thấy cái trạm gác ở trên hình rồi đó 😀


Sẵn kể chuyện lùa gà thì kể luôn chuyện bị lùa cái SIM điện thoại hết hơn ngàn rupee nữa. Chuyện là hồi sớm ở sân bay tui chưa có mua được SIM để online, mà đi một mình không có Internet thì chắc buồn chết đi được, nên tui có hỏi tay chạy xe lôi chỗ nào mua SIM được, hắn cũng nhiệt tình dắt tui đi 2-3 chỗ mà không chỗ nào nó chịu bán, lúc đó tui chả hiểu thế nào, sau này mới biết bên cái xứ này mua SIM nó khó quá trời. Chụp hình, đăng ký thông tin các kiểu rồi đợi 4-8 tiếng sau mới active SIM được mà hình như không phải tiệm nào cũng làm được trò này, xét về mặt này nói thiệt là thua xứ ta xa lắc, chánh phủ ta giờ mặc dù cũng bắt đăng ký thông tin không mấy phức tạp, xong là xài liền được, còn muốn nhanh nữa vẫn có sẵn cho xài luôn chả biết đăng ký của ai 😀

Có vẻ như mua SIM khó thiệt nên hắn dắt tui vô trong chợ, ghé cái tiệm của một tay luôn miệng gọi tui bằng sir này sir nọ nghe rất là đã. Mà sự đời lúc nào cũng vậy mà, ngọt mật là chết ruồi ah, hắn đòi tui hơn 1000 rupee cho cái SIM cộng với tiền topup luôn, rồi hẹn tới chiều là nó tự active xài được. Còn nhiệt tình cho số điện thoại nữa chứ.

Chiều đó nằm mệt nhoài trong hostel vì đi cả buổi sáng tới trưa mà đợi hoài chả thấy cái SIM active nên xế xế ráng lội bộ ra đi kiếm cái Customer Service của Airtel hỏi thử. Mấy bạn trong này thấy thằng châu Á ngơ ngác nên cũng nhiệt tình giúp đỡ check chiếc đồ các kiểu mà bảo vẫn không giúp gì được, kêu tui quay lại chỗ mua. Tui mở hình cái quán bán SIM cho mấy bạn coi thì thấy mấy bạn cười cười chắc là biết tỏng rồi mà mấy bạn mắc giữ thể diện quốc gia nên không nói nữa.

Tui quay lại thì nó đóng cửa quán đi đâu mất. Chán quá ghé tiếp 2 cái shop bự ơi là bự nữa trên đường Netaji Subhash Marg thì mới mua được cái SIM của hãng Vodafone với giá rẻ hơn gần 1/3 luôn cả tiền topup. Trong lúc đợi chờ thì lại gặp được vợ chồng già bên Indo giáp mặt mấy lần trong mấy cái tiệm điện thoại, ngồi nghe ổng bả kể hành trình đi mua SIM cũng gian nan quá trời, đúng khổ! Sẵn tiện tui cũng có quảng cáo qua Vietnam mua SIM dễ lắm 😀

Mua được cái SIM này cũng chưa yên thân nữa đâu, bữa sau nhận sóng mà không online được vì tài khoản không có một cắc dù chiều qua tui đã trả tiền topup luôn rồi.

Báo hại sáng bữa sau tui phải vòng lại cái shop bán SIM Vodafone lần nữa, mà khổ, dân bên này hơn 10g sáng nó mới chịu mở cửa mần ăn. Vô đứng đợi nó tra cuốn sổ rồi nạp tiền cho tui thì lúc đó mới thở phào đi tiếp qua tỉnh khác được.

Mấy bạn bên đó có cuốn sổ bự này để tra coi ai mua SIM, nạp tiền nè

Giờ nghĩ lại cũng còn hơi bực, nếu quả lừa này xảy ra sau hai ba bữa tui ở đây thì tui mướn chiếc xe máy quay lại đốt mẹ nó cái quán điện thoại nó cho rồi. Nhớ lúc đó bực thiệt bực vậy, haha 😀

Mà thôi kệ đi, lùa thì lùa cũng vẫn còn rẻ, với dù sao thì đó cũng là một đặc sản, mà đã qua chơi là phải trải nghiệm thôi giống như là trà sữa hay curry vậy ah.

Thế đã, mới qua là được thưởng thức ngay đặc sản rồi, vài ba bữa sau quen với món my friend này thì lại thấy tiếc tiếc vì sắp hết tháng ngày rong chơi.

Trà sữa nè, suốt mấy bữa ở Ấn tui toàn uống món này thay cho cà phê. Ngon, bổ, rẻ, còn vệ sinh thì hổng bết sao nhưng mà hông có bị ải chỉa lần nào.
Ly này là tui uống ở Varanasi, có 10 rupee ah, rẻ hơn so với ở New Delhi tới 15-20 ruppe lận. Cái quán bán trà sữa của ông già sát bên sông Hằng nơi người ta đốt xác xong quăng xuống dưới đó đó, sáng sáng ra ngồi ngó thiên hạ tui thấy người ta múc nước lên đem dìa, chắc là để nấu trà sữa cho tui uống, thành ra bữa sau tui nghỉ uống trà sữa một bữa 😂😂😂

4 bình luận về “Làm quen với đặc sản xứ Ấn: Lùa gà, lùa khắp nơi

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s